Móc tiền túi ra đền hay huề cả làng?


17 quan chức từ nguyên chủ tịch tỉnh đến cán bộ thuộc các sở, ban ngành của tỉnh Bình Phước có liên quan đến vụ bán vườn caosu bị đề nghị phải tự bỏ tiền túi để khắc phục trên 25 tỉ đồng thất thoát. 



Bán công sản giá thấp trên giấy tờ là chuyện không chỉ riêng ở Bình Phước. Thông thầu để giảm giá khi bán tài sản, tăng giá khi mua tài sản nhằm hưởng chênh lệch là nghề của các “quan” tham, đó chính là hành vi không thể chấp nhận được.

Tiêu cực chẳng có gì mới, nhưng chuyện bắt 17 ông “quan” phải móc 25 tỉ đồng tiền túi ra để đền cho Nhà nước mới là chuyện mới.

Cơ quan điều tra chưa vào cuộc để làm rõ hành vi tham nhũng nên chưa xử lý theo pháp luật các vị “quan” này, nhưng Sở Tài chính tỉnh Bình Phước lại làm tờ trình nêu đích danh tên tuổi và trách nhiệm của từng vị. Cho nên, trong trường hợp này, để bắt các “quan” móc túi ra đền e còn nhiều tranh luận để có căn cứ xác đáng, phù hợp với pháp luật. Nhưng các vị cứ nghĩ cho kỹ đi nhé, móc túi ra đền là còn may.

Có những vụ tương tự, việc mua bán tài sản công gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, nhưng do không tìm ra chứng cứ vi phạm pháp luật nên không xử lý được. Và đã không xử lý hình sự thì không ai có tội và cũng chẳng bắt ai đền bù cho sự thất thoát. Cứ lấy mấy chục con tàu của Vinashin và Vinalines ra thì rõ. Mua với giá trên trời, nhưng không “bắt được tay day được trán” chuyện thông thầu thì coi như tịt. Với đoàn tàu phế liệu của hai tập đoàn này, bán hết cả rừng caosu của tỉnh Bình Phước cũng không mua nổi.

Nhưng khi cái đống phế liệu lù lù ra khắp nơi, có ai bắt những người liên quan đến việc mua những con tàu đó phải móc tiền túi ra đền không? Huề cả làng.

Còn nhiều lĩnh vực khác tưởng cũng cần học tập cách bắt buộc quan chức phải móc túi ra đền. Điển hình nhất là các cơ quan tố tụng, với các vụ án oan sai. Hiện nay, khi xác định vụ án oan sai, Nhà nước móc hầu bao ra bồi thường cho nạn nhân. Quan chức sai, Nhà nước chịu. Vậy là huề cả làng. Nếu như có quy định, quan chức của các cơ quan tố tụng có trách nhiệm trong việc gây ra vụ án oan sai phải bỏ tiền túi ra bồi thường cho công dân thì sẽ hạn chế được án oan sai.

Làm sai gây ra thất thoát, thậm chí cố tình làm sai để tham nhũng, nhưng cùng lắm thì “hạ cánh” an toàn, chẳng phải ngồi tù một ngày và cũng không mất đồng bạc nào. Thế thì làm “quan” dễ quá.
Read more…