HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA MỘT LINH MỤC


Linh mục Nguyễn Vũ Việt, Giám mục Robert Lynch của Giáo phận St. Petersburg và mẹ của LM. Việt
Photo kindness of John Christian



Vào ngày 18 tháng Năm 2013 vừa qua, một tu sĩ Công giáo, thầy Nguyễn Vũ Việt, được thụ phong linh mục tại thánh đường St. Cathrine Of Siena, Cleawater, Giáo phận St.Petersburg, tiểu bang Florida.

Ngay sau đó, linh mục Nguyễn Vũ Việt được người làm lễ thụ phong cho ông là Giám mục Robert Lynch của Giáo phận St. Petersburg, bài sai về làm phó chánh xứ nhà thờ St.Paul tại St. Petersburg, một giáo xứ đa phần người Mỹ, nhiệm sở đầu tiên của linh mục Nguyễn Vũ Việt.

21 năm mới được thụ phong linh mục

Đi tu rồi trở thành linh mục không phải là chuyện lạ ở Mỹ vì từ lâu đã có nhiều người trẻ Việt Nam tại xứ này tự nguyện đi vào con đường tu hành và tận hiến. Họ trở thành chủ chăn tại các giáo phận lớn nhỏ ở Hoa Kỳ, có vị trở thành tuyên úy trong các binh chủng của quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng với linh mục Nguyễn Vũ Việt thì khác, hành trình để trở nên mục tử của ông là một chặng đường cam go và bất trắc chỉ vì ông là cháu ruột của linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm được thế giới biết đến vì dám cất tiếng đòi tự do bày tỏ đức tin trong một đất nước còn theo đuổi chính sách bất dung tôn giáo như Việt Nam.

Hành trình đức tin của riêng ông quả là một hành trình khó khăn và vất vả, linh mục Nguyễn Vũ Việt chia sẻ:


Tôi đăng ký và muốn gia nhập vào chủng viện từ năm 1992. Liên tiếp trong vòng mười năm, từ 1992 đến 2001, từ giáo phận Phú Cường đã ba lần tôi thi đậu vào Đại Chủng Viện. Tuy nhiên vì mối quan hệ với cha Lý cho nên nhà nước không cho tôi vào chủng viện.

LM. Nguyễn Vũ Việt

Bởi vì bởi vì tôi đăng ký và muốn gia nhập vào chủng viện từ năm 1992. Liên tiếp trong vòng mười năm, từ 1992 đến 2001, từ giáo phận Phú Cường đã ba lần tôi thi đậu vào Đại Chủng Viện. Tuy nhiên vì mối quan hệ với cha Lý cho nên nhà nước không cho tôi vào chủng viện.

Vì sự liên hệ với người chú ruột, linh mục Nguyễn Văn Lý là lý do mà đến năm 2001 thì thầy Nguyễn Vũ Việt bị bắt giữ:

Ở trong tù thì người ta nói với tôi là hãy quên đi cái ước mong làm linh mục. Nhưng mà sau đó tôi lại được Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Mỹ can thiệp đưa tôi ra khỏi tù và qua đây. Dĩ nhiên trong đó có sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào Việt Nam qua những thỉnh nguyện thư gởi cho các dân biểu và nghị sĩ.

Đến Mỹ năm 2005, thầy Nguyễn Vũ Việt gia nhập chủng viện năm 2006. Tiếp tục hai năm Triết học, bốn năm Thần học cộng thêm một năm thực tập, đến ngày 18 tháng Năm được thụ phong linh mục như vừa nói:

Tóm lại nếu nhìn bằng con mắt trần thì thật gian nan vì phải mất 21 năm tôi mới được thụ phong linh mục, trong khi đó lẽ thông thường ở Việt Nam thì khoảng sáu tới bảy năm, ở Mỹ là chín năm, riêng tôi hai mươi mốt năm.




Linh mục Nguyễn Vũ Việt . Courtesy bishopsblog.org



Nhưng đối với lòng tin thì hai mươi mốt năm thử thách không là gì, bởi đó là hành trình của sự xác tín về niềm tin và sự phó thác:

Bởi trong tất cả hoàn cảnh gọi là éo le, tù đày hay là sự bất công, tôi luôn thấy có Chúa ở với tôi. Nhất là thời gian ở tù đó, tưởng chừng như tôi mất hết tất cả, nhưng có thể nói đó là thời gian Chúa cho tôi nhiều hơn tất cả, bởi vì trong đó tôi cảm nghiệm được cái nhà tù trở thành chủng viện của tôi, có một vị giáo sư là Chúa Giêsu, có một chủng sinh là tôi. Cũng có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng nhìn chung thời gian ở tù Chúa cho tôi sống gần Ngài hơn bao giờ hết. Chính vì lẽ đó tôi thấy hai mươi mốt năm là hai mươi mốt năm chuẩn bị để tôi cố gắng sống xứng đáng với thiên chức linh mục.

Hành trình của đức tin, song song với hành trình thực tế rời bỏ Việt Nam sang Hoa Kỳ, của gia đình linh mục Nguyễn Vũ Việt, tức không chỉ ông mà cả mấy anh chị em gọi linh mục Nguyễn Văn Lý bằng chú, thiết tưởng có nhiều chi tiết phức tạp và ít được biết tới. Ông Nguyễn Văn Dũng, anh ruột linh mục Nguyễn Vũ Việt, kể rằng mọi sự khó bắt đầu từ khi linh mục Nguyễn Văn Lý nhiều lần bị bắt giữ vì lý do tôn giáo:


Tóm lại nếu nhìn bằng con mắt trần thì thật gian nan vì phải mất 21 năm tôi mới được thụ phong linh mục, trong khi đó lẽ thông thường ở Việt Nam thì khoảng sáu tới bảy năm, ở Mỹ là chín năm, riêng tôi 21 năm.

LM. Nguyễn Vũ Việt

Riêng trường hợp năm 2001, linh mục Nguyễn Văn Lý bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành bắt giam tại giáo xứ An Truyền. Khoảng một tháng sau thì họ tiến hành bắt trước tiên Nguyễn Trực Cường là người em kế tôi. Sau đó bắt cả linh mục Nguyễn Vũ Việt khi đó đang theo học và đang tạm trú ở Phú Nhuận, Sài Gòn.

Đó là thời gian thầy Nguyễn Vũ Việt đang là chủng sinh cũng như đang tham gia hoạt động trong giáo phận Phú Cường ở tỉnh Bình Dương. Sau khi tiến hành bắt thầy Nguyễn Vũ Việt, một lực lượng công an gần năm trăm người, kéo đến bao vây gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở Đồng Nai với cáo buộc là có dấu hiệu cấu kết với thành phần nước ngoài để hoạt động gián điệp:

Theo tôi nhớ không lầm thì khoảng tháng Sáu năm 2001. Bản thân tôi bị họ đọc lịnh khám xét nhà. Gia đình chị Hoa là chị ruột tôi gần đó cũng bị khống chế, đọc lịnh xét nhà và lịnh bắt.

Tôi thì sau khi xét nhà xong họ đưa giấy triệu tập làm việc. Suốt thời gian đó họ liên tục kêu tôi lên làm việc tại 34 Nguyễn Văn Cừ, Sài Gòn. Trường hợp chị Hoa, Cường và linh mục Nguyễn Vũ Việt thì đã bị biệt giam. Trong thời gian điều tra thì tôi không liên lạc được nhưng cá nhân tôi thì khoảng trên 50 lần cục an ninh của Bộ Công An mời tôi lên làm việc. Qua làm việc, tôi biết được là họ cho rằng chị Nguyễn Thị Hoa, anh Nguyễn Trực Cường, linh mục Nguyễn Vũ Việt và cả cá nhân tôi bị qui kết vào tội làm gián điệp.




Linh mục Nguyễn Vũ Việt (bên trái) và Cha Nguyễn Văn Lý chụp trước lúc LM. Việt đi Mỹ. Photo Gioan Nguyễn Vũ Việt



Với tội danh gián điệp mà công an đưa ra trong bản kết luận điều tra thì khung hình phạt qui định mức án đối với bốn người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý, trong đó có thầy Nguyễn Vũ Việt, là từ 12 năm cho đến tử hình.

Sau đó, tội danh gián điệp được cơ quan điều tra Bộ Công An đổi sang tội danh lợi dụng tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước. Vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa án thành phố Hồ Chí Minh năm 2003:

Từ khi bị bắt cho đến khi ra tòa thì thời gian cũng hơn một năm, khoảng 2003. Mức án do phiên tòa sơ thẩm kết án Nguyễn Vũ Việt 5 năm tù, Nguyễn Trực Cường 4 năm, Nguyễn Thị Hoa 3 năm. Dựa theo luật tố tụng lúc đó thì phía gia đình cũng như phía bị can có quyền làm đơn kháng án.

Tháng Tư năm 2004 Tòa Phúc Thẩm xét lại mức án do Tòa Sơ Thẩm phán quyết đối với ba người cháu của linh mục Lý:

Trong phiên tòa này thì mức án họ kếu cho Nguyễn Vũ Việt là 2 năm 8 tháng, Nguyễn Trực Cường cũng 2 năm tám tháng. Riêng trường hợp chi Nguyễn Thị Hoa sau thời gian bị giam lúc đó chồng chị đã mất rồi, còn bốn con nhỏ thì họ cho chị tại ngoại. Cũng trong phiên tòa này thì họ kêu án chị là 4 tháng 6 ngày.

Khi Tòa Phúc Thẩm quyết định như vậy thì thầy Nguyễn Vũ Việt đã thọ án được 2 năm 7 tháng, anh Nguyễn Trực Cường 2 năm 7 tháng. Chính vì thế mười mấy ngày sau thì anh Nguyễn Trực Cường được cho về, thầy Nguyễn Vũ Việt được trả tự do một tháng sau. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, tiếng là được ra tù song gia đình vẫn bị theo dõi bị kiểm soát gắt gao, công việc làm ăn mưu sinh gặp nhiều trở ngại. Thời gian đó linh mục Nguyễn Văn Lý vẫn đang trải qua bản án 10 năm tù về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Chương trình P1 của Hoa Kỳ

Ngày 23 tháng Chín năm 2005, bốn người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý lên đường sang Hoa Kỳ:

Khi lên sân bay thì phía an ninh Việt Nam giữ chị Hoa lại, lấy cớ là hộ chiếu của chị Hoa không hợp lệ. Chuyến đó chị Hoa phải ở lại và đi là chỉ có gia đình tôi thôi. Sau đó, nhờ sự can thiệp của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, gia đình chị Hoa cũng đi chung một chuyến với phía gia đình Nguyễn Trực Cường cũng như linh mục Nguyễn Vũ Việt.


Khi được tin linh mục Nguyễn Văn Lý ao ước các cháu của linh mục được đưa ra khỏi Việt Nam để linh mục rộng đường tiếp tục tranh đấu thì chúng tôi đã làm việc với dân biểu Christopher Smith để đưa thân nhân của linh mục Lý sang Hoa Kỳ định cư theo đường tị nạn đặc biệt mà cho đến ngày hôm nay ít ai biết đến, đó là chương trình P1

TS Nguyễn Đình Thắng

Coi như đến đầu tháng Mười 2005, toàn thể gia đình bốn người đã có mặt tại Hoa Kỳ:

Sau này tôi biết việc chúng tôi qua Hoa Kỳ được là nhờ Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo mà trong đó có chị Ngô Thị Hiền cũng như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã âm thầm vận động các dân biểu, tiến hành lập hồ sơ cho chúng tôi đi.

Đối với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, việc can thiệp được cho bốn người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý sang định cư tại Mỹ là một tiến trình nhiêu khê nhưng đúng lúc, đúng lúc mà cũng ít được biết tới:

Khi được tin linh mục Nguyễn Văn Lý ao ước các cháu của linh mục được đưa ra khỏi Việt Nam để linh mục rộng đường tiếp tục tranh đấu thì chúng tôi đã làm việc với dân biểu Christopher Smith để đưa thân nhân của linh mục Lý sang Hoa Kỳ định cư theo đường tị nạn đặc biệt mà cho đến ngày hôm nay ít ai biết đến, đó là chương trình P1.

Đó là chương trình mà năm 1997 chúng tôi đã cùng với ông Joseph Rees, tham mưu trưởng của dân biểu Smith, đi Việt Nam để vận động thành lập một chương trình như vậy và đã được giữ tương đối kín đáo. Các người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý đã đến Hoa Kỳ qua chương trình đó vào năm 2005.

Năm 2005 thì Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC các quốc gia cần theo dõi đặc biệt vì lý do đàn áp tôn giáo một cách trầm trọng. Đây cũng là nỗ lực vận động của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam do chị Ngô Thị Hiền, thành ra sự đòi hỏi của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Quốc Hội Hoa Kỳ là Việt Nam cần chứng tỏ có sự cải thiện và một yếu tố để chứng tỏ là phải chấp nhận cho các người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý đến Hoa Kỳ tị nạn.

Theo ông Joseph Reese, từng là cố vấn cấp cao của dân biểu Christopher Smith, biết rõ tiến trình vận động qua lại giữa Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội về những kế hoạch giúp đỡ người tị nạn, thì sau chiến tranh Hoa Kỳ vẫn có một chương trình có thể gọi như một rescue program, nhằm đưa những đối tượng ở Việt Nam đang gặp hiểm nguy bất trắc về cuộc sống vì lý do này lý do khác:

Chương trình đó có mục đích mang ra khỏi nước những người có thể bị xử phạt, bị trả thù bởi chế độ mới.

Và khi đến lượt một chương trình tiếp nối là P1 tức Ưu Tiên Một ra đời thì cũng khá lâu và không có mấy người được ra đi theo diện P1 đó, không giống như đông người đã đi diện ODP.

Nhưng dầu sao thì người ta cũng đã làm cho những người cháu trong gia đình linh mục Nguyễn Văn Lý được qua Hoa Kỳ theo chương trình P1. Tôi nghĩ đó là điều vô cùng tích cực và tôi ao ước sẽ thêm nhiều người khó khăn nữa được giúp đỡ được cứu như thế.

Riêng với linh mục Nguyễn Vũ Việt, bây giờ là phó chánh xứ nhà thờ St.Paul ở St. Petresburg, Florida, mà giả dụ nếu còn ở Việt Nam đến giờ này thì không ai chắc sẽ có ngày được khoác chiếc áo mơ ước, nói rằng đức tin là yếu tố để thắng tất cả mọi trở ngại:

Thực sự trở thành linh mục không phải là mục tiêu cá nhân mà đó là hướng vươn tới để cố gắng sống tốt hơn. Tôi ở đó thì giáo xứ Mỹ hoàn toàn cho nên tôi không có chương trình gì khác ngoài là để Chúa hướng dẫn. Đó cũng là khẩu hiệu tôi chọn cho đời linh mục của tôi.

Câu Chuyện về hành trình xác tín của một tu sĩ Công giáo, kết thúc mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.
Read more…